(Dân trí) - Ngày 20/5, quy định xử phạt tăng nặng đối với các hành vi vi phạm giao thông ở khu vực nội thành của 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM có hiệu lực. Trong khi dân Hà Nội “ngơ ngác” thì TPHCM cũng “lấn cấn” ranh giới nội, ngoại thành.
Vi phạm trật tự an toàn giao thông trong khu nội thành sẽ bị xử phạt rất nặng.
Tăng nặng mức phạt trong “lấn cấn”
Trước tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông ngày càng phức tạp tại Hà Nội và TPHCM, Chính phủ đã ban hành nghị định 34/2010/NĐ-CP vào ngày 2/4/2010 đồng ý cho phép thí điểm trong 3 năm quy định tăng mức xử phạt lên gần gấp đôi đối với các vi phạm trong khu vực nội thành ở 2 đô thị đặc biệt trên.
Theo nghị định trên, UBND TPHCM và Hà Nội có trách nhiệm quy định cụ thể phạm vi khu vực nội thành để thực hiện việc thí điểm. Tại TPHCM, công việc này được giao cho Sở Giao thông Vận tải lấy ý kiến các ban ngành, tham mưu cho UBND TP xây dựng phạm vi nội thành áp dụng nghị định trên. Đến nay, thời gian áp dụng nghị định đã cận kề nhưng ý kiến các ban ngành vẫn còn “lấn cấn” với nhau.
Ban An toàn giao thông TPHCM đề nghị xác định khu vực nội thành theo phạm vi khu đô thị hiện hữu đã được UBND TP xác định trong Quy định kiến trúc nhà liên kế trong khu đô thị hiện hữu trên địa bàn TP ban hành từ năm 2007. Theo đề nghị này thì khu vực nội thành là cả 19 quận của TP.
Sở Tư pháp lại đề nghị ngoài phạm vi 19 quận trên, bổ sung thêm phạm vi các tuyến đường quốc lộ và trục chính đô thị đi qua địa bàn các huyện nhưng có tình hình giao thông phức tạp như: quốc lộ 1, quốc lộ 22, quốc lộ 50, tỉnh lộ 10, Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng, Huỳnh Tấn Phát, Đại lộ Đông Tây...
Công an TPHCM thì cho là phạm vi hai phương án trên quá rộng và đề xuất phạm vi áp dụng chỉ bó hẹp trong diện tích bao quanh bởi các tuyến đường: quốc lộ 1A (bắt đầu từ nút giao thông Thủ Đức) - Nguyễn Văn Linh - đường dẫn vào cầu Phú Mỹ - cầu Phú Mỹ - vành đai Đông - Nguyễn Thị Định - Xa lộ Hà Nội - nút giao thông Thủ Đức.
Đề nghị chọn phương án 3
Đến đây, Sở GTVT với vai trò là cơ quan chủ trì việc tham mưu xác định phạm vi khu vực nội thành phải đứng ra tổng kết các ý kiến trên và đề ra phương án tối ưu cho TP.
Theo ý kiến Sở GTVT thì hai phương án của Ban An toàn giao thông và Sở Tư pháp đều có ưu điểm là thuận lợi cho việc tuyên truyền, người dân dễ nhận biết khu vực nội thành, CSGT cũng dễ xử phạt… Tuy nhiên, nhược điểm lớn là khu vực quá rộng, khối lượng biển báo phải lắp quá nhiều.
Phương án của Công an TP cũng có hai nhược điểm: phạm vi xử phạt sẽ không bao gồm một số khu vực thuộc các quận nội thành như quận 2, 7, Bình Tân, Thủ Đức và toàn bộ quận 9 có tình hình trật tự an toàn giao thông tương đối phức tạp; trong phạm vi trên lại có một phần huyện ngoại thành là Bình Chánh và một phần địa bàn của tỉnh Bình Dương (đoạn quốc lộ 1A từ ĐH Nông Lâm đến cầu vượt Sóng Thần).
Tuy nhiên, phương án trên có ưu điểm là phạm vi áp dụng nhỏ, thuận lợi cho công tác tuần tra xử phạt của các lực lượng chức năng trong giai đoạn thí điểm, khối lượng biển báo phải lắp đặt cũng không nhiều, chỉ có tại 86 giao lộ.
Với những ưu điểm trên, Sở GTVT đồng ý với phương án của Công an TP. Trong ngày 7/5, Phó Giám đốc Sở GTVT Lê Toàn đã làm tờ trình gửi UBND TP đề xuất ý kiến trên. Nhưng trong tờ trình, Sở GTVT đề nghị phạm vi áp dụng xử phạt tăng nặng là diện tích xác định bởi các tuyến đường như Công an TP đề xuất nhưng trừ các đoạn đường đi qua địa bàn huyện và ngoài địa bàn TP. Hiện tờ trình này đang được UBND TP xem xét.
Tùng Nguyên-DanTri
- Cẩm nang An toàn giao thông qua hoạt hình
- Tổng hợp tất cả các link hay nhất ôn luyện thi lái xe
0 nhận xét: on "TPHCM cũng “lấn cấn” ranh giới nội, ngoại thành"
Đăng nhận xét